“Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước,cần được chăm sóc,cần được học tập.Và khi mỗi trẻ em biết ăn,biết ngủ,học hành tốt chính là một trẻ em ngoan ngoãn,vui lòng cha mẹ,làm những điều phù hợp với lứa tuổi của mình”. Chỉ một câu nói nhẹ nhàng của Bác Hồ đã chứa đựng tất cả tình yêu thương,sự chăm lo của Bác dành cho trẻ em.
Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân,đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ. Những kỹ năng mà trẻ tiếp thu qua chương trình chăm sóc giáo dục mầm non sẽ là nền tảng cho việc học tập và thành công sau này của trẻ. Do vậy, phát triển giáo dục mầm non, tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ là yếu tố quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Những năm đầu đời của trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát triển năng lực của trẻ, bởi ngay từ bẩm sinh trẻ đã có khả năng tiếp thu học tập, não bộ đã được lập trình để tiếp nhận các thông tin cảm quan và sử dụng để hình thành hiểu biết và giao tiếp với thế giới xung quanh,nhưng thiên hướng học tập của trẻ có thể bị hạn chế bởi nhiều yếu tố như thể chất, nhận thức và tình cảm xã hội.Việc được hưởng sự chăm sóc và phát triển tốt từ lứa tuổi trẻ thơ sẽ góp phần tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển trong tương lại của trẻ.Giáo dục mầm non sẽ chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng ban đầu như: tự lập, sự kiềm chế, khả năng diễn đạt rõ ràng, đồng thời hình thành hứng thú đối với việc đến trường tiểu học, tăng khả năng sẵn sàng để bước vào giai đoạn giáo dục phổ thông.
Để đạt được mục tiêu giúp trẻ phát triển toàn diện thì chúng ta cần phải kết hợp hài hòa giữa nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe và giáo dục đó là điều tất yếu. Ngày nay cùng với sự phát triển chung của xã hội, mỗi gia đình đều có cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn, trình độ dân trí cũng ngày được nâng cao. Chính vì vậy việc chăm sóc giáo dục trẻ cũng được gia đình và xã hội đặc biệt quan tâm. Vậy quan tâm như thế nào là đúng mực để cơ thể trẻ khỏe mạnh, học tốt phát triển cân đối, giao tiếp ứng xử mạnh dạn, tự tin hơn thì trước tiên ta phải có một kiến thức nhất định về cách chăm sóc và nuôi dạy con khoa học, theo chương trình chăm sóc giáo dục trẻ của Bộ GD&ĐT đã ban hành tới các trường Mầm non trong cả nước.
Qua kinh nghiệm dạy học tôi nhận thấy đối với trẻ đi học sau,đi học muộn hơn độ tuổi: Trẻ nhút nhát,thiếu tự tin và tiếp thu chậm hơn so với các bạn khác.Hơn nữa các bài học trên lớp trẻ sẽ tiếp thu bị cách quãng, không được đầy đủ.
Vậy ngoài việc đảm bảo về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên thì nhất thiết cần đến sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để cùng thống nhất cách chăm sóc giáo dục trẻ. Đặc biệt trẻ phải được đến trường theo đúng độ tuổi, đúng chương trình quy định. Vì mỗi một độ tuổi có một chương trình chơi và học khác nhau. Nếu trẻ không được đi học chương trình lớp nhà trẻ thì sẽ rất khó khăn cho việc tham gia các hoạt động và tiếp thu kiến thức chương trình lớp 3 tuổi. Nếu trẻ 4 tuổi không được đi học chương trình lớp 4 tuổi thì khi theo học lớp 5 tuổi sẽ rất khó khăn cho việc học và tiếp thu kiến thức chương trình lớp 5 tuổi, như vậy sẽ rất vất vả cho cha mẹ và thầy cô khi dạy bé học.
Năm học 2023- 2024 sẽ là năm học với cơ sở vật chất đầy đủ. Các cô giáo luôn sẵn sàng để đón các bé đến lớp.
Vì vậy kính mong các bậc cha mẹ học sinh quan tâm đưa các cháu đến trường sớm, đúng độ tuổi để các cháu được hưởng sự chăm sóc, giáo dục phù hợp với lứa tuổi góp phần phát triển toàn diện nhân cách cho các cháu ngay từ lứa tuổi mầm non, gây dựng một thế hệ măng non có đủ cả về đức, trí, thể, mỹ, đồng thời tạo điều kiện cho nhà trường hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ năm học mới đề ra.