Tục ngữ Việt Nam có câu: “Ăn theo buổi, ngủ theo giờ
Ấy là sức khỏe không ngờ cho thân”
Điều đó chứng tỏ việc ăn ngủ đúng giờ là một điều rất quan trọng đối với sức khỏe con người, đặc biệt đối với trẻ em lứa tuổi mầm non giấc ngủ cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Bởi sau mỗi giấc ngủ tinh thần của trẻ sẽ được sảng khoái hơn, chức năng hoạt động của các cơ quan thần kinh được phục hồi. Giấc ngủ tốt vừa là một trong những điều kiện căn bản, vừa là một trong những dấu hiệu của sức khỏe trẻ em. Thời gian dành cho giấc ngủ trưa tuy chỉ chiếm một lượng nhỏ, bằng 1/5 thời gian giấc ngủ đêm, song nó lại mang một ý nghĩa đặc biệt đối với cơ thể trẻ. Giấc ngủ trưa có tác dụng làm giảm bớt sự mệt mỏi do hoạt động, khôi phục lại tinh thần sức lực của trẻ.
Tổ chức cho trẻ ngủ trưa trong trường mầm non có tổ chức bán trú là một nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu trong chế độ sinh hoạt của trẻ. Hoạt động này được chia thành 3 bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị chỗ cho trẻ ngủ
Cô chuẩn bị khu vực cho trẻ ngủ đảm bảo sạch sẽ, cần đóng cửa, kéo rèm để hạn chế tối đa ánh sáng chiếu vào phòng, mang lại cho trẻ cảm giác yên tĩnh. Luôn có đủ nệm, gối, chăn riêng của trẻ và thường xuyên được vệ sinh phù hợp như giặt vỏ gối, chăn 1 tuần/1 lần, phơi nắng ruột gối, nệm… nhằm hạn chế tối đa các vi khuẩn mang mầm bệnh, đảm bảo đồ dùng để ngủ luôn sạch sẽ, khô ráo.
Cô hướng dẫn trẻ sắp xếp nệm, cho trẻ tự lấy gối của mình, tạo cho trẻ có thói quen tốt tự phục vụ bản thân. Trước khi ngủ, cần nhắc nhở trẻ đi vệ sinh. Không để trẻ vận động quá mức trước khi ngủ; chú ý đến đặc điểm riêng của từng trẻ để bố trí phù hợp như: Những trẻ thể trạng yếu hoặc có nhu cầu ngủ nhiều nên cho ngủ trước và cho trẻ nằm ở những vị trí ít bị ảnh hưởng bởi tiếng động. Trẻ có nhu cầu đi tiểu nhiều nên được xếp nằm ở những vị trí tiện đi lại và không làm ảnh hưởng đến các trẻ khác. Những trẻ hay quấy khóc, chưa quen với nề nếp, cô nên dỗ trẻ, cho trẻ ngủ riêng.
Bước 2: Trong khi trẻ ngủ
Giáo viên cần tạo điều kiện để trẻ có giấc ngủ ngon, ngủ đúng giờ và ngủ sâu giấc bằng những thủ thuật như: Cô mở nhạc những bài hát không lời êm dịu hoặc cô hát ru cho trẻ nghe để dễ vào giấc ngủ. Với những trẻ khó ngủ hoặc ngủ ít thì cô cần ở bên cạnh, có thể nhẹ nhàng gãi đầu, xoa lưng… tạo cảm giác gần gũi, vỗ về trẻ giúp trẻ dễ ngủ hơn.
Bên cạnh đó, giáo viên phải chú ý đến nhiệt độ phòng của lớp, điều chỉnh phù hợp theo mùa như: đối với mùa nắng, thời thiết nóng nực, khi mở quạt máy cần chọn tốc độ vừa phải không chọn mức gió tối đa vì sẽ làm khô không khí, khiến trẻ khó thở, nếu sử dụng điều hòa thì không để nhiệt độ quá thấp làm chênh lệch thân nhiệt của trẻ; đối với mùa mưa, thời tiết lạnh cần chú ý giữ ấm cơ thể bằng cách cho trẻ mặc quần áo dài, mang vớ chân, đắp thêm chăn…
Trong giờ trẻ ngủ, cô luôn có mặt để quan sát theo dõi, kịp thời xử lý những tình huống có thể xảy ra. Cần giữ yên tĩnh cho trẻ ngủ, tránh cười, nói to và những tiếng động mạnh làm trẻ giật mình. Nếu có trẻ thức dậy sớm và quấy khóc, cô cần dỗ dành cho trẻ ngủ tiếp.
Bước 3: Sau giờ trẻ ngủ
Mỗi trẻ là một cá thể khác nhau, thời gian ngủ của mỗi trẻ cũng khác nhau, giáo viên cần quan tâm đến chất lượng giấc ngủ của trẻ hơn là thời lượng giấc ngủ. Vì vậy, trong khung giờ ngủ trưa của trẻ tại trường, có thể có những trẻ thức giấc sớm hơn thời gian quy định, trẻ nào thức giấc trước, cô cho dậy trước, tránh đánh thức đồng loạt, ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ khác và sinh hoạt của lớp. Trẻ có nhu cầu ngủ nhiều, cô cho thức dậy sau cùng. Sau khi trẻ thức dậy, cô cùng trẻ vận động nhẹ nhàng để trẻ tỉnh táo, cô nhắc nhở trẻ đi vệ sinh, rửa mặt và hướng dẫn trẻ cùng thu dọn chỗ ngủ. Mở cửa để thông thoáng phòng. Nếu có trẻ tè dầm, sau khi trẻ đã dậy hết, cần làm vệ sinh nơi ngủ và gửi trả nệm gối của bé về cho phụ huynh phơi giặt.
Giờ ngủ trưa của trẻ như một bước đệm, một quá trình chuyển tiếp mà các cơ quan nội tạng của trẻ được nghỉ ngơi một cách đầy đủ, tạo điều kiện tốt cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cơ thể, giúp trẻ thực hiện tốt các hoạt động trong chế độ sinh hoạt tiếp theo của một ngày. Vì vậy, việc tổ chức giấc ngủ trưa cho trẻ ở trường mầm non là một hoạt động không thể thiếu trong trường mầm non bán trú, đáp ứng một nhu cầu hết sức tự nhiên và chính đáng của trẻ. Đây cũng chính là nhiệm vụ hết sức quan trọng của giáo viên mầm non trong quá trình chăm sóc trẻ tại trường, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giáo dục./.